Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh
Góp ý cụ thể, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến các chính sách có liên quan đến bảo hiểm y tế đối với học sinh.
Để các thầy giáo, cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi Điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục để mua bảo hiểm y tế cho học sinh mà trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm. Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế.
Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng cho phù hợp, có thể có phương án để học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó vừa được nhà nước hỗ trợ đóng và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) |
Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật: “Trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời buộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp”, có nghĩa là dự thảo Luật mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.
Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Và đông đảo cử tri cho rằng, mức đóng đó vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong rằng Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành. Đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước (NSNN) tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Điều này, theo đại biểu sẽ kéo số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia BHYT.
Liên quan tới sử dụng quỹ BHYT tại Điều 35 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị tăng thêm tỷ lệ dành cho khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu phân tích, về nguyên tắc, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, thu năm nào chi năm đó, chỉ để kết dư một phần để gối đầu năm sau và bổ sung phần thiếu hụt quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ khám chữa bệnh hàng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Do đó, nếu tiếp tục để tối thiểu 5% quỹ dự phòng là rất cao, có thể gây khó khăn cho nguồn chi khám chữa bệnh cho nhân dân. Đại biểu cho rằng cần thiết phải tính toán cụ thể để dự phòng bao nhiêu cho phù hợp.
Bổ sung đối tượng cựu thanh niên xung phong được ngân sách nhà nước đóng BHYT
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) |
Góp ý quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung đối tượng “Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, hiện nay, Luật BHYT quy định đối tượng cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào được NSNN cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên đối với cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, với lý do người dân tại các xã này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, trong khi giai đoạn 2020 - 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19, các chính sách, quy định về chuẩn hộ nghèo thay đổi và tăng lương cơ sở dẫn đến tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người dân ở vùng này còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực được hỗ trợ mức đóng BHYT. “Vì lực lượng này đóng vai trò quan trọng và làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng yếu để bảo vệ quốc gia, biên giới, hải đảo. Họ rất vất vả trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để lực lượng này an tâm làm nhiệm vụ, tôi đề nghị thân nhân của lực lượng này được hỗ trợ mức đóng BHYT từ NSNN” - đại biểu nêu./.