Dân đồng lòng, nước sạch về làng
Ký ức khát
Bây giờ về xã Lãng Ngâm, đi trên con đê của làng, ai cũng thấy những đường ống dẫn nước từ nhà máy nước sạch Gia Bình kéo về tận thôn xóm. “Lãng Ngâm bây giờ không khát nữa rồi” một cụ bà đi đường khoe.
Hơn sáu năm làm nghề may gia công, ông Nguyễn Văn Xuyên, 70 tuổi, thôn Ngọc Tỉnh, vẫn không thể quên những ngày cơ khổ vì thiếu nước sạch. Ông Xuyên tâm sự: “Nếu cuối năm ngoái anh về đây sẽ thấy từ đầu đến cuối thôn, các bờ mương nước đen ngòm, ao hồ nhà nào cũng chi chít ống hút nước. Biết là nước bẩn, ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác phải ăn thôi chứ biết lấy đâu”.
Ông Nguyễn Văn Doóc, trưởng thôn Ngọc Tỉnh tiếp chuyện: “Nguồn nước ở Ngọc Tỉnh ô nhiễm quá nặng. Múc nước giếng khoan lên là ngửi thấy mùi ôxít sắt, nước vàng khè như váng dầu. Bà con chủ yếu tận dụng nguồn nước từ trạm bơm của Môn Quảng khi dẫn vào các đồng ruộng, kênh mương thì bắt ống hút nước về nhà, lọc sơ qua rồi dùng sinh hoạt. Những hộ có điều kiện mua bình chứa nước, hứng nước mưa, hoặc đi mua nước ở nơi khác về ăn”.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi cách đây khoảng sáu năm, nghề may gia công về làng. Các hộ làm nghề sử dụng các loại hóa chất, phẩm mầu để nhuộm vải và in họa tiết hoa văn lên quần áo. Bao nhiêu chất thải vô tư chảy xuống mương, ao hồ. Ông Xuyên cho biết: “Thôn có 161 hộ dân thì 70% làm nghề may gia công. Chúng tôi cũng biết là độc hại, nhưng không làm nghề biết lấy gì sống”.
Người dân ở Lãng Ngâm chỉ thật sự bàng hoàng, lo lắng khi số người trong làng mắc các bệnh nan y ngày một tăng. Chỉ trong thời gian ngắn, bốn - năm người cùng bị ung thư mà nguyên nhân từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
“Nghị quyết nước sạch”
Người dân có nguồn nước sạch.
Bất cập vì thiếu nước sạch đã rõ. Không chỉ người dân, chính quyền thôn, xã cũng trăn trở. Cuộc họp nào, bà con cũng đề nghị lên xin nguồn nước sạch về thôn.
Ông Trần Văn Môn, 40 tuổi, trạm trưởng trạm cấp nước Gia Bình tâm sự: “Vấn đề nước sạch là nỗi cấp thiết của bà con hai thôn. Chúng tôi cũng trăn trở khi ngay trên địa bàn xã có nhà máy cấp nước mà người dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm. Nhưng để kéo được nguồn nước về cần kinh phí ít nhất là ba tỷ đồng. Đó là một số tiền quá lớn so với người dân”.
Câu chuyện nước sạch ở Lãng Ngâm tưởng chừng vô phương. Nhưng thời điểm đó, tại xã Lãng Ngâm có một cuộc họp giữa toàn thể người dân và chính quyền xã. Anh Doóc nhớ lại : “Chưa bao giờ người dân Ngọc Tỉnh lại quyết tâm như vậy. Khi chính quyền đề xuất, để có nguồn nước sạch phải cả nhà nước và nhân dân cùng làm, 100 % cánh tay đều giơ cao tán thành”.
Quyết tâm là vậy, nhưng khi hoạch toán ra mỗi hộ phải đóng gần bốn triệu đồng, gồm tiền ống dẫn nước, đồng hồ, chưa kể tiền đào lấp, giải phóng mặt bằng, ai nấy cũng băn khoăn.
Người dân ngồi lại bàn bạc, tìm cách tiết kiệm được chi phí mà vẫn có nước sạch. Có ý kiến đưa ra là toàn bộ công tác san lấp, đào mương, lắp ráp, giải phóng mặt bằng sẽ do người dân tự làm. Ai cũng đồng ý. Từ tháng 10-2013, mỗi hộ dân cử ít nhất một người tham gia lao động. Họ làm miệt mài không kể ngày đêm cho kịp có nguồn nước sạch trước Tết, với tinh thần “Không có nước sạch thì không có tết”.
Sau khi thu tiền số tiền ban đầu là 2,5 triệu đồng/hộ, có ý kiến số tiền thu góp đưa về cho xã giữ. Nhưng phát huy tinh thần dân chủ, “dân làm, dân kiểm tra”, lãnh đạo xã nhất trí để kinh phí ở các thôn để tự lo liệu.
Ông Doóc nhớ lại, trong làng có vài ba hộ nghèo, ăn còn chả đủ, giờ lấy đâu tiền mà góp? Bà con rất đắn đo. Mặc dù phía gia đình xin phương án là sẽ trả mỗi tháng một triệu. Nhưng thấy gia đình quá khó khăn, bà con nhất trí chỉ thu của hai hộ nghèo mỗi hộ một triệu đồng.
Trong quá trình thi công đã nảy sinh một số việc. Lúc đào mương, dân cuốc làm đổ bờ tường của hộ dân trong làng. Chuyện xích mích khó tránh khỏi. Nhờ sự hòa giải của lãnh đạo thôn và xã, chuyện lại êm thấm. Chỉ chưa đầy hai tháng sau nguồn nước sạch về đến các hộ dân. Nước sạch về đến đâu bà con hân hoan đến đó.
Ông Trần Văn Môn cho biết: “Công trình nước sạch ở xã Lãng Ngâm được triển khai từ năm 2010, giai đoạn 1 có công suất là 957 m3/ngày, đêm cho 2.000 hộ dân theo tuyến từ Môn Quảng, An Quang (xã Lãng Ngâm) qua Đông Cửu xuống thị trấn Gia Bình. Riêng hai thôn Ngọc Tỉnh và Ngăm Lương chỉ mới triển khai từ tháng 10-2013, đến nay đã cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân ở thôn Ngọc Tỉnh, riêng Ngăm Lương còn vài chục hộ nữa đang tiếp tục lắp. Trong điều kiện nguồn kinh phí eo hẹp, công trình nước sạch có được nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của bà con và Nhà nước cùng làm. Đây là một mô hình cần nhân rộng”.