Chuyện khó tin về hai nhà vô địch thế giới
Vài năm trước, gặp Phan Thị Hà Thanh trong cuộc giao lưu với các vận động viên xuất sắc, tôi hỏi: ’’Người đi cùng em là ai thế?’’. Cô gái đất Cảng nhẹ nhàng đáp: ’’Là Hà Thanh ạ’’. Tôi tưởng Hà Thanh nghe nhầm là hỏi tên mình nên mới hỏi lại thì Thanh giải thích: ’’Đây cũng là Hà Thanh, nhưng họ Nguyễn’’. Lúc đó tôi mới biết ở đội thể dục dụng cụ ngoài một Hà Thanh nữ xinh xắn, xuất sắc, còn có một Hà Thanh nam cũng rắn rỏi, tài năng không kém.
Giữa hai vận động viên xuất sắc này không chỉ giống nhau ở cái tên mà còn có nhiều điểm trùng lặp khác. Cả hai đều có sở trường ở nội dung nhảy chống và đây đều là những nội dung mũi nhọn để thể dục dụng cụ Việt Nam cạnh tranh huy chương ở các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới. Họ cũng được các huấn luyện viên đánh giá là những vận động viên có tài năng, nhưng số phận họ lại giống như những đóa quỳnh nở muộn, phải đến gần cuối sự nghiệp mới bước lên đỉnh cao.
Phan Thị Hà Thanh bắt đầu tập thể dục dụng cụ từ năm sáu tuổi dưới sự hướng dẫn của HLV Nguyễn Thanh Thúy và suốt hơn mười năm rèn luyện cật lực, tên tuổi của cô luôn bị phủ bóng bởi đàn chị Đỗ Thị Ngân Thương. Chỉ đến khi Ngân Thương bị cấm thi đấu sau sự cố doping ở Olympic Bắc Kinh 2008 thì Hà Thanh mới ’’bước ra ánh sáng’’ và liên tiếp gặt hái thành công.
Tương tự, Nguyễn Hà Thanh cũng được các thầy ở đội thể dục dụng cụ Hà Nội đánh giá cao không kém gì vận động viên hàng đầu Phạm Phước Hưng, nhưng cứ khi nào chuẩn bị thi đấu là Thanh lại dính chấn thương. Anh bị chấn thương nhiều đến nỗi mà các huấn luyện viên và đồng đội không thể lý giải bằng chuyên môn và thậm chí còn bị coi là ’’ma ám’’.
Có lần trước khi bước vào thi đấu ở Giải vô địch quốc gia, Nguyễn Hà Thanh chỉ khởi động nhẹ nhàng, nhưng bỗng nhiên bị chấn thương lưng đến nỗi không thể đứng được, phải nằm bẹp trong phòng. Tình trạng này diễn ra đến vài lần ở các giải vô địch quốc gia khiến cho Hà Thanh đôi lúc cũng nản. Thậm chí đến trước Giải vô địch quốc gia năm 2011, anh còn quyết định là nếu tiếp tục bị chấn thương như mọi lần thì chia tay luôn sự nghiệp vận động viên. Thế nhưng, may mắn là lần đó anh lại thi đấu thành công và tạo đà cho việc giành hai HCV SEA Games.
Khi chứng kiến thành tích đỉnh cao của Nguyễn Hà Thanh trong năm qua, nhiều người vẫn tiếc là giá như không bị chấn thương hành hạ liên tiếp thì có thể anh đã đóng góp được nhiều thành công hơn nữa cho thể thao Việt Nam.
Trong năm 2012, cả hai đều đồng thời bước lên đỉnh cao ở Cúp thế giới 2012 tại Ostrava (CH Czech) với hai tấm HCV ở nội dung nhảy chống. Và ở Giải vô địch châu Á, ’’song Thanh’’ cũng rủ nhau tỏa sáng với những tấm huy chương mang tính cột mốc cho thể dục dụng cụ Việt Nam. Nếu như những tấm huy chương bạc và huy chương đồng của Nguyễn Hà Thanh là những tấm huy chương đầu tiên của thể dục dụng cụ nam Việt Nam ở tầm châu lục thì Phan Thị Hà Thanh cũng trở thành người đầu tiên mang về tấm huy chương vàng thể dục dụng cụ châu Á cho Việt Nam.
Không chỉ tài năng, họ còn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tinh thần nỗ lực vượt khó. Sở trường của Hà Thanh là nhảy chống và thể dục tự do nên cổ chân, đầu gối của cô thường xuyên bị chấn thương vì quá tải. Trước khi lập thành tích xuất sắc ở Giải vô địch thế giới năm 2011, Hà Thanh từng phải đi hút dịch ở chân và nghỉ gần hai tháng vì chấn thương này. Vậy nhưng cô vẫn vượt qua để lập thành tích xuất sắc. Ngay ở Cúp thế giới 2012, Hà Thanh cũng bước vào thi đấu trong tình trạng chấn thương đến nỗi phải điều chỉnh mức độ khó của bài thi, nhưng cô vẫn giành được huy chương vàng.
Hà Thanh nam còn gặp chấn thương nặng hơn ở Cúp thế giới 2012. Đến trước khi bước vào thi đấu, huấn luyện viên vẫn không dám chắc về khả năng thi đấu của anh, nhưng Nguyễn Hà Thanh vẫn gạt bỏ hết trở ngại để bước vào thảm đấu.
Động tác xoay hai vòng gập thân của Nguyễn Hà Thanh trình diễn khi đó đã khiến cả cầu trường vỡ òa, còn giới chuyên môn thì rất thán phục động tác đạt mức độ khó hiếm thấy 7,000 điểm. Ít ai biết rằng trước khi bước vào thi đấu, Hà Thanh thấy uống thuốc giảm đau không đủ đã yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc thêm để có thể tạm quên cơn đau trong những lúc thi đấu.
Để đạt được thành công như hôm nay, họ cũng phải trả những cái giá không nhỏ như phải xa gia đình từ khi sáu-bảy tuổi, phải hy sinh những ham muốn bình thường như cô bé Hà Thanh không dám ăn cả một chiếc kẹo (sợ bị tăng cân), phải ép mình vào trong chương trình tập luyện khắc nghiệt nhất...
Nghị lực vượt khó của họ thật đáng khâm phục!
Phan Thị Hà Thanh (trái) và HLV Nguyễn Thanh Thúy được bầu là VĐV và HLV thể thao tiêu biểu năm 2012. Ảnh: F.B