Phát triển hạ tầng thông tin
Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có 1.322 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt gần 614.582 (trong đó 603.002 thuê bao di động); 80.382 thuê bao Internet với 52.156 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt gần 50%.
Công an xã Phúc Sen (Quảng Hòa) và đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng công nghệ số . |
Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số toàn tỉnh, thời gian qua, các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Cao Bằng đã thành lập và kiện toàn 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng với 6.686 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 4,23% (giảm 5.349 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo bình quân giảm 5,65%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%.
Cùng với công tác tuyên truyền, việc phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để giảm nghèo thông tin gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy, thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong Bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Để “tăng giàu” về thông tin cho người dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, thời gian qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước và địa phương. Hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, đa dạng như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp... Nhờ vậy mà thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, giúp mọi người nắm bắt được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng số giúp người dân thay đổi tư duy, tự lực thoát nghèo
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế thì một trong những yếu tố quan trọng trong công tác giảm nghèo chính là thay đổi tư duy, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, các nền tảng số để người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà thay vào đó là tự lực vươn lên thoát nghèo, thỏa sức sáng tạo thông qua các nền tảng chuyển đổi số.
Qua thực tế, anh Nông Văn Sinh, xóm Khuổi Đẩy, xã Kim Đồng, huyện Thạch An chia sẻ: Anh là chủ trang trại 1.200 m2 chim trĩ. Ngoài bán cho các nhà hàng, siêu thị thực phẩm và cung cấp trứng, con giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh, anh Sinh còn rất tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm chim trĩ trên các trang mạng xã hội nhằm tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu mối tiêu thụ. Ngoài ra, anh Sinh còn thường xuyên đăng tải các bài viết lên các trang mạng có nhiều người quan tâm, đăng ký mua hàng. Việc mua bán thuận lợi giúp anh có nguồn thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình.
Nhiều đài truyền thanh được nâng cấp lên đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông |
Thời gian qua, công tác tuyên truyền thông tin về thị trường lao động cũng được tỉnh Cao Bằng tăng cường đã tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Cụ thể, trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tuyên truyền về công tác giảm nghèo với các hình thức phù hợp như phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội như Zalo, fanpage… Từ đó, mọi người dân Cao Bằng đều được cung cấp thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, triển khai các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
Từ đầu năm đến nay, với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết và duy trì việc làm cho người lao động; kết nối cung - cầu lao động giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp, toàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho 13.574 lao động. Trong đó, 668 lao động được giới thiệu, cung ứng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, đạt 92% kế hoạch; 12.464 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, đạt 498% kế hoạch; đưa 243 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 121,5% kế hoạch.
Để góp phần thay đổi nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Cao Bằng tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Tại các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức thực hiện treo băng-rôn, pa-nô truyền thông giảm nghèo; hướng dẫn quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hằng năm cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử; hiện đại hoá thiết bị kỹ thuật, số hoá sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện; thiết lập bảng tin điện tử công cộng.
Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách, chương trình, kế hoạch… trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh; tăng cường phát triển kinh tế ổn định, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là động lực để thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục có nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiệp cận với công nghệ thông tin trên các nền tảng số./.