Những gương mặt thể thao - 2006
Hoàng Anh Tuấn, niềm hy vọng Olympic
Hoàng Anh Tuấn là vận động viên cử tạ đầu tiên của Việt Nam giành huy chương tại đấu trường quốc tế (Huy chương bạc giải trẻ thế giới 2005 tại Busan, Hàn Quốc). Việc Tuấn chỉ giành Huy chương bạc tại ASIAD vừa qua rất đáng tiếc, nguyên nhân chính là do thiếu thông tin về các đối thủ. Tuấn cho biết: "Trước khi thi đấu tại ASIAD tôi từng nhiều lần đọ sức với vận động viên Li Zheng của Trung Quốc. Tại giải thế giới tại Santo Domingo mới đây, tôi chỉ thua suýt soát anh ta dù vừa dự Ðại hội Thể dục -Thể thao toàn quốc xong và do di chuyển một quãng đường sát ngày thi đấu mới tới nơi, không có thời gian hồi phục nên tôi chỉ đạt 276 kg, trong khi Li Zheng đến trước cả tuần thành tích là 279 kg. Ðối thủ mà tôi đề phòng nhất chính là vận động viên Ðài Loan vì anh này thường xuyên đạt khoảng 280 - 282 kg. Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ cũng cho rằng, tôi chỉ đẩy 282 kg là có thể nghĩ đến Huy chương vàng. Các lực sĩ Trung Quốc tập cùng tôi cũng nói, đẩy được trên 282 kg là không có đối thủ". Thế nhưng, dù Hoàng Anh Tuấn đạt thành tích xuất sắc 285 kg, anh vẫn kém đối thủ Li Zheng 2 kg, chỉ giành Huy chương bạc.
Ðến nay, Tuấn là vận động viên duy nhất "nhìn thấy" khả năng giành huy chương tại Olympic Bắc Kinh 2008. Ủy ban Thể dục - Thể thao đang tập trung mọi nỗ lực có thể như bác sĩ riêng, đầu bếp riêng, chế độ dinh dưỡng phù hợp để Tuấn nâng cao thành tích. Năm 2007, Tuấn sẽ được tạo mọi điều kiện để thi đấu quốc tế và sẽ có huấn luyện viên nước ngoài mới. Vận động viên quê Quế Võ (Bắc Ninh) sinh năm 1985 đang thi đấu cho Nam Ðịnh này là hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội mùa hè năm 2008.
Cơ thủ Dương Anh Vũ
Dương Anh Vũ sinh năm 1980, là một cơ thủ mạnh của TP Hồ Chí Minh và đội tuyển billiard snooker Việt Nam tham dự ASIAD 15. Với nền tảng kỹ thuật điêu luyện và tâm lý thi đấu vững vàng, Dương Anh Vũ từng giành chức vô địch các tay cơ xuất sắc Việt Nam.
Tại ASIAD 15, Dương Anh Vũ thi đấu nội dung caroom ba băng. Dương Anh Vũ thi đấu xuất sắc qua các vòng đấu đủ đạt thành tích vào đấu trận chung kết với tay cơ mạnh của đoàn Nhật Bản là Umeta Riuri. Dù rất nỗ lực nhưng đến phút cuối, Dương Anh Vũ vẫn không cản được Riuri trong cuộc chạy đua tới tấm Huy chương vàng nội dung caroom ba băng, đành chấp nhận Huy chương bạc. Ðây cũng là thành tích duy nhất của môn billiard snooker Việt Nam tại ASIAD 15. Dương Anh Vũ xứng đáng đứng trong danh sách 10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2006.
Cây vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh
Là một cây vợt cầu lông hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh được Liên đoàn cầu lông thế giới xếp hạng 51 thế giới. Với lối đánh công thủ toàn diện, Tiến Minh luôn biết tìm cách lợi dụng những điểm yếu của đối phương để dứt điểm. Tại ASIAD 15, Tiến Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất khi vượt qua tay vợt xếp hạng 7 thế giới người Hàn Quốc Lee Hyun-il. Tiến Minh đã xuất sắc hạ đối thủ này trong vòng 15 phút với kết quả 21-14, thắng chung cuộc 2-1. Chiến thắng này đã gây bất ngờ cho người hâm mộ và cả đối thủ. Mặc dù không giành được huy chương trên đấu trường châu lục, nhưng Nguyễn Tiến Minh đã chứng tỏ được ý chí, tài năng và tinh thần thi đấu vì mầu cờ sắc áo, xứng đáng nhận danh hiệu vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2006.
"Cô gái vàng" thể hình nữ
Sau ngày "cánh chim đầu đàn" Lê Thị Hương Giang (Huy chương đồng châu Á năm 1999) từ giã sàn đấu, giới chuyên môn cho rằng, phải khá lâu nữa thể hình nữ Việt Nam mới lấp được khoảng trống cô để lại. Vậy mà chỉ một thời gian không lâu sau đã xuất hiện tài năng mới Nguyễn Mỹ Linh (đội thành phố Hồ Chí Minh). Ðến với thể thao khi mới 8 tuổi từ môn taekwondo, rồi judo, sau nhiều thăng trầm, tháng 4-2002 chị bắt đầu làm quen với môn thể hình. Và điều bất ngờ thú vị đã đến, sau hơn hai tháng tập luyện, với tố chất, năng khiếu bẩm sinh, Mỹ Linh đã có trong tay bộ sưu tập ngôi quán quân hạng 52 kg tại Giải vô địch các câu lạc bộ toàn quốc năm 2002. Ba năm tiếp theo, với sự nỗ lực rèn luyện, ý chí vươn lên, cùng sự chỉ bảo tận tình của các thầy và sự động viên từ gia đình, chị liên tiếp gặt hái được nhiều chiến công vẻ vang ở cả "sân chơi" trong nước và quốc tế. Nữ lực sĩ không có đối thủ xứng tầm ở Ðại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc và giải quốc gia; giành hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc châu lục. Tại Giải thể hình và Fitness châu Á 2006, Mỹ Linh cùng với các đồng đội Phi Hùng, Minh Phong, Thanh Tùng và Thu Nguyên bước lên bục chiến thắng, giúp đội tuyển của chúng ta vượt qua các địch thủ mạnh Thái-lan, Singapore, Trung Quốc... đoạt ngôi vô địch toàn đoàn. Giờ đây, ngoài những cái tên quen thuộc đã làm rạng danh Tổ quốc trên đấu trường khu vực và thế giới như: Lý Ðức, Phạm Văn Mách, Giáp Trí Dũng..., người hâm mộ lại biết được thêm Nguyễn Mỹ Linh, "cô gái vàng" của thể hình nữ Việt Nam.
Nguyễn Mỹ Linh vẫn đang hăng say tập luyện với khát vọng bảo vệ thành công vương miện ở giải đấu trong nước và châu lục trong năm 2007.
Nữ võ sĩ vô địch ASIAD 15 Nguyệt Ánh
Rất nhiều người chưa thể quên thời điểm khó khăn nhất của thể thao Việt Nam ở ASIAD 15 tại Qatar những ngày cuối năm 2006. Sau 11 ngày thi đấu chính thức, sau bao niềm hy vọng vàng lần lượt không thành công và khi đại hội chỉ còn ba ngày mà Việt Nam mới dừng lại ở một chức vô địch, tạm xếp thứ 21 bảng tổng xếp hạng. Nỗi lo lắng đè nặng từng thành viên, có người đã nghĩ đến khả năng dừng lại kết quả này ở ASIAD 15. Ðúng thời điểm căng thẳng ấy, đêm 12-12, nữ võ sĩ karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh mang về tấm Huy chương vàng đối kháng hạng 48 kg. Ðây là chức vô địch thứ hai, tấm Huy chương vàng cá nhân đầu tiên và duy nhất của thể thao Việt Nam ở ASIAD 15, cũng là chiến thắng giải tỏa khó khăn, căng thẳng về tâm lý, đưa Việt Nam giành thêm một Huy chương vàng nữa.
Sau khi vượt qua các võ sĩ Philippines, Thái-lan, vào chung kết với võ sĩ Antoni Savantha của Malaysia, từng ba lần chạm trán, trong đó có trận Nguyệt Ánh thua ở giải vô địch châu Á cách đây một năm. Ðã vậy trước trận chung kết lại liên tiếp có những tác động tâm lý không thuận lợi. Nguyễn Hoàng Ngân, võ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất, cũng là hy vọng vàng số 1 của karatedo Việt Nam vừa mới thua VÐV Nhật Bản ở trận chung kết đã dừng lại ở Huy chương bạc. Phạm Trần Nguyên, cựu binh nhiều kinh nghiệm nhất đội tuyển Việt Nam cũng đã chấp nhận Huy chương đồng hạng 55 kg nam. Nguyệt Ánh là VÐV trẻ, lần đầu dự ASIAD, hy vọng có huy chương đã là thành công nhưng lại tiến một mạch tới chức vô địch. "Lần đầu tiên giành Huy chương vàng và chiến thắng này vượt sức tưởng tượng của em" (lời Nguyệt Ánh sau khi giành chiến thắng). Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 15 Nguyễn Hồng Minh sau bao ngày căng thẳng đã khóc khi Nguyệt Ánh giành thắng lợi, còn huấn luyện viên trưởng Lê Công thì cảm ơn cô học trò của mình.
Sinh năm 1984 ở TP Hải Phòng, 12 tuổi Nguyệt Ánh đã đến với karatedo. Sau hai năm tập luyện ở một câu lạc bộ tại đất cảng, Nguyệt Ánh về Hà Nội tiếp tục sự nghiệp võ thuật ở Trung tâm Thể dục - Thể thao quốc phòng I (Quân đội). Trước SEA Games 22, Nguyệt Ánh được gọi bổ sung vào đội tuyển quốc gia nhưng phải sau đại hội đó, các "cây đa, cây đề" đồng loạt nghỉ thi đấu, Nguyệt Ánh mới trở thành trụ cột của karatedo Việt Nam. Ngay lần đầu dự giải quốc tế là SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, cô gái giàu nghị lực này đã giành tấm Huy chương vàng Kumite hạng 48 kg. Từ nhà vô địch SEA Games, Vũ Thị Nguyệt Ánh đã bước lên bục cao nhất Ðại hội Thể thao châu Á và chức vô địch của võ sĩ này được đánh giá là quý hơn vàng mười, tạo cú hích để Ðoàn thể thao Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất ở ASIAD 15. Ðây cũng là thành công ghi dấu ấn cho lớp võ sĩ mới thay thế các vận động viên lớp trước từng có nhiều đóng góp tích cực cho thể thao nước ta, khẳng định tài năng của thế hệ kế cận, tiếp tục đưa karatedo Việt Nam tới những thành công lớn hơn.