VĐV Ngô Thị Quyên: Silat là một phần con người tôi
Chị bắt đầu tập võ khi nào?
Khi tôi khoảng 12,13 tuổi gì đó, lúc ấy tôi tập võ Bình Định, về sau này, năm 15 tuổi mới bắt đầu tập Pencak Silat.
Còn lần đạt thành tích đầu tiên?
Đấy là năm 2004, sau hai năm tập luyện, lần đầu tiên đấu giải vô địch Quốc gia ở Hải Dương, đạt HCB. Tôi vui lắm, thành tích đến rất kịp thời, nhờ đó tôi biết là mình có chuyển biến trong luyện tập. Nếu tập mãi mà không thấy “lên trình” thì dễ chán nản lắm. Năm ấy tôi 17 tuổi.
Trận đấu nào làm chị nhớ nhất?
Năm 2007, lần đầu tiên tôi tham gia giải vô địch thế giới tổ chức tại Malaysia. Hồi hộp lắm vì…được ra nước ngoài. Có sợ không á? Không, tôi chả sợ, vì hồi ấy còn trẻ quá, mới 20 tuổi, có biết sợ là gì đâu (cười)
Giải ấy tôi được HCV, ôi, xúc động, tự hào lắm khi nhìn cờ đỏ sao vàng được kéo lên vị trí cao nhất trong tiếng quốc ca Việt Nam.
Lần ấy, cũng là một trong những lần đáng thất vọng nhất về…chuyện ăn uống. Sau hôm thi đấu có tiệc đãi mọi người ở nhà hàng sang trọng. Nước bạn tổ chức có văn nghệ chào mừng nữa. Mấy anh em đoàn Việt Nam toàn người trẻ, háo hức lắm. Đến nhìn thấy các bàn, bàn nào cũng có một cái mâm inoc rất to đậy lên, nghĩ là, à, chắc là nhiều đồ ăn ngon, đẹp lắm đây. Yên tâm ngồi đợi đến vài tiếng sau, chương trình văn nghệ càng dài thì mọi người càng đói. Đến lúc mở mâm ra, ôi, mỗi thứ chỉ có một tí xíu, nhìn cũng vẫn đẹp nhưng mà ít đến mức thất vọng . Anh em đang mỏi mòn vì chờ, thêm mỏi mòn vì đói. Mọi người vừa nản mà cũng vừa thấy buồn cười chính mình nữa.
Lần thi đấu nào làm chị buồn nhất?
Đó là năm 2008, ngay sau giải vô địch thế giới, tôi tham gia giải vô địch Đông Nam Á tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ được HCĐ thôi. Lý do thì cũng có nhiều, khách quan nhiều hơn chủ quan. Bản thân tôi cũng thấy hụt hẫng, cũng thấy buồn và xấu hổ vì vừa năm trước đạt HCV thế giới, mà năm sau đấu giải khu vực lại chỉ được HCĐ. Mọi người nói nhiều, nhưng mình phải chấp nhận là trong thể thao có nhiều yếu tố rủi ro, cũng như cuộc đời có thăng có trầm, đâu phải lúc nào mình cũng ở trên bục vinh quang được.
Năm thi đấu nào là khó khăn nhất với chị?
2011. Lần đó thi đấu thì cũng “khó bình thường” thôi. Nhưng trước thi đấu thì áp lực lắm. Vì phải giảm từ 56-57kg xuống còn 52-53kg trong vòng 2 tuần. Phải giảm cân để đánh nội dung thi đấu cho tốt. Làm thế nào ấy ạ? Có một cách: luyện tập nhiều lên. Thường thì một tuần tôi tập từ thứ 2 đến sáng thứ 7, mỗi ngày ba buổi tập, vào sáng, trưa và tối. Tổng cộng khoảng sáu tiếng. Nhưng vì phải giảm cân nên sau các buổi tập chính, mình tập thêm thể lực nữa, như là mặc áo mưa chạy ngoài trời, hay nhảy dây. Chế độ ăn thì nhiều rau, và thịt bò, giảm tinh bột, giảm nước.
Tôi cũng đang muốn giảm cân, tôi cũng mặc áo mưa chạy hoặc đi bộ, được không chị?
Ồ, tôi không khuyên đâu nhé, vì mặc áo mưa rất ngợp, không thở được đâu. Vận động viên chúng tôi có khi ép căng quá, lượng muối trong cơ thể mất nhiều (vì ra mồ hôi) đến lúc bị chuột rút toàn thân rất đau. Lúc ăn, cầm đôi đũa là tay co quắp lại, hoặc thỉnh thoảng chân bị rút cơ, phải ngồi trong nhà tắm tự kéo giãn cơ ra từ từ, đau lắm đấy.
Pencak Silat có ý nghĩa thế nào với chị, bên cạnh những tấm huy chương?
Silat là một phần trong con người tôi. Tôi tập silat đến giờ là được 11 năm rồi, gắn bó với nó từ những khó khăn đầu tiên và cũng đã đánh đổi rất nhiều thứ vì nó: thời gian, gia đình (do tôi thường xuyên vắng nhà để luyện tập hoặc thi đấu), cả học hành nữa. Cũng có khi tôi đã muốn từ bỏ, vì mệt mỏi quá, do tập luyện căng thẳng, hoặc nhiều khi muốn được làm những điều mọi người thường làm (ở nhà thường xuyên với gia đình hay đi chơi với bạn bè lúc nào cũng được này). Tôi cũng đang tuổi trẻ ham chơi mà (cười). Nhưng mà đắn đo thế chứ cũng chả bỏ được, đó là niềm đam mê của mình rồi.
Nếu không phải là một VDV Pencak Silat, chị sẽ là ai?
Nếu không đam mê tập luyện thì có lẽ tôi đã lấy chồng từ vài năm trước rồi. Hồi ấy tôi có một mối tình kéo dài bốn năm. Yêu nhau sâu nặng lắm rồi kết thúc. Thời gian đó nhiều việc đến với tôi, gia đình, công việc tập luyện, cạnh tranh thi đấu, nhiều áp lực lắm. Khi ấy thấy cần người yêu là chỗ dựa, chia sẻ, quan tâm đến mình, nhưng chính họ lại cũng nghĩ mình là chỗ dựa cho họ. Tôi thấy mệt mỏi và bế tắc. Cảm giác như thế không được, lúc nào cũng như muốn chạy trốn ấy. Thế rồi tôi quyết định chia tay để cả hai thấy thanh thản. Quyết định ấy là tốt nhất vào lúc đó.
Thể thao có khi nào làm chị thất vọng không?
Có một điều. Đó là sự đãi ngộ cho các VĐV sau giải nghệ. VĐV chúng tôi, mười mấy năm tập luyện, đến lúc giải nghệ cũng gần 30 rồi. Lúc ấy cầm “nắm” huy chương vàng, bạc, thế giới với khu vực đi xin việc trong điều kiện sức khỏe suy yếu, ai cũng nản (cả chúng tôi lẫn nhà tuyển dụng đều nản, vì VĐV có kỹ năng gì xuất sắc ngoài thể thao đâu). Hiếm hoi lắm thì có người may mắn được theo nghiệp huấn luyện viên. Một số thì đi làm giáo viên thể chất ở các trường cao đẳng, đại học (mà cũng không phải dễ xin vào đâu). Còn lại đa số thì làm lại từ đầu, làm trái ngành nghề, đi học lại một cái gì, hay kinh doanh, buôn bán nhỏ gì qua ngày. Nói chung nghĩ cũng hơi tủi…
Dự định riêng của tôi là học xong về sư phạm thể chất rồi cũng cố gắng xin vào làm giáo viên thể chất. Chưa biết sẽ xin vào đâu nhưng cứ cố gắng đã.
Cảm ơn chị đã tham gia phỏng vấn.
Bảng thành tích của Ngô Thị Quyên
2004: 1 HCB trong nước
2005: 1 HCB trong nước
2006: 1 HCB đại hội thể thao toàn quốc và 1 HCV trong nước
2007: 1 HCV trong nước và 1 HCV thế giới
2008: 1 HCĐ giải Đông Nam á
2009: 1 HCV giải AIG 3 (Indoor games)
2010: 1 HCV,1 HCB đại hội và 1 HCB vô địch thế giới
2011: 1 HCV vô địch Châu Á , 2 HCV vô địch đông nam á, 1 HCB SEA Games
2012: 2 HCV trong nước, 1 HCB vô địch thế giới
2013: 2 HCV trong nước
Ngô Thị Quyên HCV thế giới 2007; HCB thế giới 2012